Trẻ con có tý tuổi thì áp lực cái gì?

Đây là câu nói mà mình đã từng hay nói với thằng em trai.

Mình cảm thấy thằng nhóc hiện tại chỉ mới có lớp 1, lớp 2 thôi. Nó rất là rãnh rỗi và nhàn hạ. Có lẽ việc cực khổ duy nhất đó là mỗi ngày đi học về nó phải viết chính tả và làm bài tập toán. Mình đã từng nghĩ đó cũng chẳng là gì với áp lực học của mình hiện tại. Vậy mà mỗi khi bắt nó làm bài nó đều mếu máo, khóc ngắn khóc dài, rồi làm đủ trò để trốn. Lúc đó mình đã nghĩ: "Bài vở lớp 1 có gì đâu mà khó nhỉ?"

Trẻ con có tý tuổi thì áp lực cái gì?
Trẻ con có tý tuổi thì áp lực cái gì?

Rồi có nhiều khi mình đang bận việc nên nhờ nó lấy đồ giùm và nghe nói vọng vào phòng:

- Út đang bận rồi, không làm được.

Mình ngó ra nhìn xem nó đang làm gì mà dám bảo bận với mình thì lại thấy nó đăng chăm chú nặn một con khủng long đất sét. Lúc đó mình đã hỏi nó: "Việc trẻ con quan trọng cái quái gì nhỉ?"

*Đây cũng từng là câu nói mà mình thường nhận được từ mẹ.

Gần đây nhất có một lần mẹ nhờ mình làm việc hộ, nhưng lúc đó mình đang bận chạy deadline, nên mình đã nói mẹ:

- Con đang chạy deadline rồi, gấp lắm.

Và mình nhận được câu trả lời của mẹ:

- Gấp cái gì mà gấp, chuyện của mẹ gấp hơn của con nè.

Thế là mình bị lôi ra làm cho bằng được. Mình bực lắm. Vì đối với mình việc học rất quan trọng và áp lực của mình cũng rất lớn mà mẹ nói lại nghe nhẹ tênh. Nhưng nói với mẹ thì mẹ cứ cho rằng: "Trẻ con mới có tí tuổi thì có gì là áp lực". Vì mẹ nghĩ chuyện của mẹ quan trọng hơn, áp lực cuộc sống của mẹ nặng nề hơn chứ không "đơn giản" như chuyện học của mình nữa, bây giờ mình chỉ có học thôi, sướng quá rồi còn gì.

*Đây cũng là một câu nói gây ra cuộc chiến tranh nảy lửa giữa sinh viên và các bạn học sinh cấp 3.

Trẻ con có tý tuổi thì áp lực cái gì?
Trẻ con có tý tuổi thì áp lực cái gì?

Đâu đó mình đã từng thấy một dòng trạng thái than vãn của một học sinh cấp 3 về áp lực bài vở trong trường nhưng lại có một vài bạn sinh viên thả vào các bình luận kiểu như: "Cấp 3 còn sướng chán, lên đại học rồi biết." hay câu: "Trẻ con, còn đi học là sướng lắm rồi, sau này ra đời mới biết." Đôi bên ai cũng có cái lý của họ. Vậy đó, mà cãi banh chành.

Qua những trường hợp như trên mình mới nhận ra rằng, hình như chẳng có chuyện của ai kém quan trọng hơn chuyện của ai, và chẳng có chuyện của ai là đơn giản hơn ai cả. Không nên coi nhẹ những vấn đề và áp lực của người khác và chỉ chăm chăm vào vấn đề của mình và nghĩ rằng vấn đề đó là vấn đề khó nhất.

Quay lại chuyện học của thằng em mình. Mình đã từng nhiều lần chê bai thằng nhỏ vì chuyện học hành cỏn con cũng khóc nhè và mình rất tự tin vì mình chưa bao giờ để ba mẹ lo lắng về việc học (theo trí nhớ của mình là thế). Nhưng mình đã được kể lại rằng ngày mình nhỏ bằng thằng nhóc, việc học hành của mình còn trần ai hơn.

Lại nói tiếp về vấn đề cấp 3 cực hơn hay đại học cực hơn. Thật sự mà nói dù bây giờ mình chẳng còn nhớ nhiều về những áp lực ngày cấp 3 nữa, dù bây giờ mình đã đi qua cấp 3 một cách nhẹ nhàng rồi. Nhưng mình vẫn nhớ là nó cũng áp lực không kém đại học bây giờ chút nào.

Chẳng phải lúc bạn học cấp 1 bạn cũng đã từng thấy khó sao? Chẳng phải lúc bạn học cấp 3 bạn đã từng thấy rất áp lực sao? Chẳng phải khi học đại học bạn đã từng thấy vô cùng mệt mỏi vì cảm thấy tương lai vô định sao? Có thể sau này bạn đã quên đi nhiều những khó khăn vất vả đã từng trải qua. Nhưng cũng đừng vì vậy mà áp đặt suy nghĩ rằng nó đơn giản lên những người đang trải nghiệm giai đoạn đó.

Dù cho ở tuổi nào, giai đoạn nào đi chăng nữa thì cũng có những khó khăn, vất vả của thời điểm đó. Chẳng thể nào cân đó đong đếm xem là việc của bạn khó khăn hơn tôi, hay việc của tôi vất vả hơn bạn được. Và nếu được hãy bỏ luôn câu nói:

Trẻ con có tí tuổi đâu mà áp lực cái gì.

Dù là trẻ con thì cũng có những áp lực của nó.

Chia sẻ bởi:
Xí Muội

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn